QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT LIÊN QUAN ĐẾN CHUYỂN VỐN ĐẦU TƯ RA NƯỚC NGOÀI
Quy định Pháp luật Lào liên quan đến việc Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn:
- Pháp nhân hoặc Cá nhân khi mua cổ phần để sở hữu (đến 100% cổ phần) một Công ty/Doanh nghiệp nào đó đã được cấp phép ĐKKD sẽ không thuộc đối tượng phải xin GCNĐT do BKHĐT Lào cấp. BKHĐT chỉ cấp GCNĐT cho Dự án đầu tư cụ thể trên cơ sở Hồ sơ xin phép đầu tư của Doanh nghiệp trong nước hoặc NĐT nước ngoài. Tuy nhiên khi đã mua cổ phần để sở hữu Doanh nghiệp phải thực hiện góp vốn theo Luật Doanh nghiệp.
- Luật Doanh nghiệp 2005 của Lào quy định việc góp vốn như sau:
- Giám đốc (người đại diện PL của DN) là người có quyền yêu cầu các Cổ đông, thành viên sáng lập góp đủ số vốn đăng ký theo Hợp đồng thành lập Công ty đã được các bên ký kết. (Quy định tại Khoản 5 – ĐIều 86: Giám đốc công ty đốc thúc những người sáng lập và các cổ đông đóng góp đầy đủ cổ phần như quy định trong Khoản 1 Điều 96 Luật này)
- Việc góp vốn được thực hiện trước và sau khi Đăng ký Doanh nghiệp được quy định tại Điều 96, 97, Luật DN 2005:
Điều 96: Góp vốn trước khi đăng ký doanh nghiệp
- Góp vốn trước khi đăng ký doanh nghiệp là vốn được yêu cầu góp sau Đại hội thành lập Công ty TNHH như quy định tại điểm 5 Điều 86 của Luật này. Trong trường hợp này, người góp vốn phải góp đầy đủ nếu góp bằng hiện vật và ít nhất 70% vốn nếu góp bằng tiền mặt.
- Sau khi đăng ký doanh nghiệp, giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn có thể bất kỳ lúc nào yêu cầu góp nốt phần còn lại, trừ khi Điều lệ công ty có quy định khác.
Điều 97: Góp vốn sau khi đăng ký doanh nghiệp
Đối với góp vốn nêu trong phần 2 Điều 96 của Luật này, giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn sẽ đề nghị mỗi cổ đông đóng theo tỷ lệ cổ phần mà cổ đông đã đăng ký. Đề nghị phải được thông báo bằng văn bản về thời hạn và tổng số tiền cần đóng góp trong vòng 30 ngày.
Việc góp vốn nêu trên hoặc trong những trường hợp khác như Công ty tăng vốn như nêu tại Điều 110 của Luật này, phải được góp bằng tiền mặt và không được góp vốn theo kiểu gán nợ với công ty trách nhiệm hữu hạn, trừ khi việc góp vốn theo kiểu này được Đại hội cổ đông nhất trí thông qua bằng bỏ phiếu.
Điều 98: Hiệu lực của việc không góp vốn
Cổ đông nào không góp đủ số vốn đến hạn phải góp theo đề nghị lần thứ nhất của giám đốc sẽ phải trả lãi suất cho phần vốn chưa góp đủ theo lãi suất của ngân hàng vào thời điểm phải góp vốn, tính từ ngày nhận được thông báo đề nghị góp vốn của giám đốc và cổ đông đó sẽ bỏ phiếu tại đại hội cổ đông tương ứng với tổng số tiền vốn đã góp.
Cổ đông nào không đóng đủ cả tiền vốn và lãi suất còn nợ cho lần thông báo đề nghị thứ hai, giám đốc có quyền bán những cổ phần này cho những người được ưu tiên nêu trong phần 1 đến 4 Điều 111 của Luật này, nhằm trả đủ cả tiền vốn và lãi suất cho công ty trách nhiệm hữu hạn. Nếu sau khi thanh toán xong mà còn dư tiền thì hoàn trả lại cho cổ đông liên quan.
Trường hợp tổng số tiền cổ phần bán ra nêu trong phần 2 Điều 98 của Luật này vẫn không đủ, giám đốc có quyền đề nghị cổ đông liên quan thanh toán nốt. Nếu không, công ty có thể từ chối đăng ký chuyển nhượng cổ phần hoặc ngừng quyền bỏ phiếu của cổ đông liên quan tại Đại hội cổ đông.
II – QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT CỦA VIỆT NAM
Điều kiện chuyển vốn ra nước ngoài để đầu tư
Căn cứ quy định tại Điều 66 Luật Đầu tư 2020 thì nhà đầu tư được chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài để thực hiện hoạt động đầu tư khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
– Đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, trừ trường hợp nhà đầu tư được chuyển ngoại tệ hoặc hàng hóa, máy móc, thiết bị ra nước ngoài để phục vụ cho hoạt động khảo sát, nghiên cứu, thăm dò thị trường và thực hiện hoạt động chuẩn bị đầu tư khác theo quy định của Chính phủ.
– Hoạt động đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền của nước tiếp nhận đầu tư chấp thuận hoặc cấp phép. Trường hợp pháp luật của nước tiếp nhận đầu tư không quy định về việc cấp phép đầu tư hoặc chấp thuận đầu tư, nhà đầu tư phải có tài liệu chứng minh quyền hoạt động đầu tư tại nước tiếp nhận đầu tư;
– Có tài khoản vốn đầu tư ra nước ngoài tại một tổ chức tín dụng được phép tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối.
Việc chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài phải tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối, xuất khẩu, chuyển giao công nghệ và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Quy định sử dụng lợi nhuận ở nước ngoài
Căn cứ quy định tại Điều 67 Luật Đầu tư 2020 thì nhà đầu tư được giữ lại lợi nhuận thu từ đầu tư ở nước ngoài để tái đầu tư trong trường hợp sau đây:
– Tiếp tục góp vốn đầu tư ở nước ngoài trong trường hợp chưa góp đủ vốn theo đăng ký;
– Tăng vốn đầu tư ra nước ngoài;
– Thực hiện dự án đầu tư mới ở nước ngoài.
Nhà đầu tư thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài theo quy định đối với các trường hợp tiếp tục góp vốn đầu tư ở nước ngoài trong trường hợp chưa góp đủ vốn theo đăng ký hoặc tăng vốn đầu tư ra nước ngoài; thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài theo quy định đối với trường hợp thực hiện dự án đầu tư mới ở nước ngoài.
Quy định chuyển lợi nhuận về nước
Việc chuyển lợi nhuận về nước được thực hiện theo quy định tại Điều 68 Luật Đầu tư 2020, cụ thể như sau:
– Trừ trường hợp giữ lại lợi nhuận theo quy định tại Điều 67 Luật Đầu tư 2020, trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày có báo cáo quyết toán thuế hoặc văn bản có giá trị pháp lý tương đương theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư, nhà đầu tư phải chuyển toàn bộ lợi nhuận thu được và các khoản thu nhập khác từ đầu tư ở nước ngoài về Việt Nam.
– Trong thời hạn quy định nêu trên mà không chuyển lợi nhuận và các khoản thu nhập khác về Việt Nam thì nhà đầu tư phải thông báo trước bằng văn bản cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Thời hạn chuyển lợi nhuận về nước được kéo dài không quá 12 tháng kể từ ngày hết thời hạn quy định nêu trên.
– Trường hợp quá thời hạn quy định nêu trên mà chưa chuyển lợi nhuận về nước và không thông báo hoặc trường hợp quá thời hạn được kéo dài quy định nêu trên mà nhà đầu tư chưa chuyển lợi nhuận về nước thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Có được chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài trước khi được cấp Giấy phép đầu tư ra nước ngoài không?
Căn cứ Khoản 3 Điều 66 Luật Đầu tư 2020 thì nhà đầu tư được chuyển ngoại tệ hoặc hàng hóa, máy móc, thiết bị ra nước ngoài để phục vụ cho hoạt động khảo sát, nghiên cứu, thăm dò thị trường và thực hiện hoạt động chuẩn bị đầu tư khác theo quy định của Chính phủ.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 82 Nghị định 31/2021/NĐ-CP thì nhà đầu tư được chuyển ngoại tệ, hàng hóa, máy móc, thiết bị ra nước ngoài trước khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài để đáp ứng các chi phí cho hoạt động hình thành dự án đầu tư, bao gồm:
– Nghiên cứu thị trường và cơ hội đầu tư;
– Khảo sát thực địa;
– Nghiên cứu tài liệu;
– Thu thập và mua tài liệu, thông tin có liên quan đến lựa chọn dự án đầu tư;
– Tổng hợp, đánh giá, thẩm định, kể cả việc lựa chọn và thuê chuyên gia tư vấn để đánh giá, thẩm định dự án đầu tư;
– Tổ chức hội thảo, hội nghị khoa học;
– Thành lập và hoạt động của văn phòng liên lạc ở nước ngoài liên quan đến việc hình thành dự án đầu tư;
– Tham gia đấu thầu quốc tế, đặt cọc, ký quỹ hoặc các hình thức bảo lãnh tài chính khác, thanh toán chi phí, lệ phí theo yêu cầu của bên mời thầu, quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư liên quan đến điều kiện tham gia đấu thầu, điều kiện thực hiện dự án đầu tư;
– Tham gia mua bán, sáp nhập công ty, đặt cọc, ký quỹ hoặc các hình thức bảo lãnh tài chính khác, thanh toán chi phí, lệ phí theo yêu cầu của bên bán công ty hoặc theo quy định pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư;
– Đàm phán hợp đồng;
– Mua hoặc thuê tài sản hỗ trợ cho việc hình thành dự án đầu tư ở nước ngoài.
Lưu ý, việc chuyển ngoại tệ, hàng hóa, máy móc, thiết bị ra nước ngoài theo quy định nêu trên phải được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngoại hối, xuất khẩu, hải quan, công nghệ. Hạn mức chuyển ngoại tệ không vượt quá 5% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài và không quá 300.000 đô la Mỹ, được tính vào tổng vốn đầu tư ra nước ngoài, trừ trường hợp Chính phủ có quy định khác.
TST.Consultant (st, tổng hợp từ các nguồn trên internet)